Bối cảnh năm 1940 Chiến_dịch_Sa_mạc_Tây

Libya

Bản đồ Bắc Phi trước khi chiến dịch bắt đầu

Cyrenaica (Libya) đã trở thành thuộc địa của Ý kể từ khi Quân đội Hoàng gia Ý (Regio Esercito) đánh bại quân đội của Đế quốc Ottoman trong Chiến tranh Ý-Thổ Nhĩ Kỳ (1911–1912). Vùng đất này tây giáp Tunisia thuộc Pháp, đông giáp Ai Cập, nên người Ý đã chuẩn bị phòng ngự cả hai mặt trận, thông qua Tổng hành dinh Tối cao Bắc Phi dưới quyền Toàn quyền Libya, Thống chế không quân Ý Italo Balbo. Tổng hành dinh Tối cao có trong tay Tập đoàn quân số 5 của tướng Italo Gariboldi đóng ở phía tây và Tập đoàn quân số 10 của tướng Mario Berti đóng ở phía đông. Đến giữa năm 1940, mỗi tập đoàn quân có 9 sư đoàn chính quốc với khoảng 13.000 người, 3 sư đoàn Dân quân Tự nguyện cho An ninh Quốc gia (Áo đen) và 2 Sư đoàn Thuộc địa Libya, mỗi sư đoàn có 8.000 quân. Vào cuối những năm 1930, các sư đoàn lục quân Ý đã được tái tổ chức từ 3 trung đoàn giảm xuống còn 2, và lính dự bị được gọi tái ngũ trong năm 1939 cùng với những đợt tuyển lính nghĩa vụ thường lệ.[1]

Tinh thần chiến đấu của binh sĩ được coi là cao, và lục quân đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động quân sự trong thời gian gần đó. Hải quân Ý phát triển mạnh dưới chế độ Phát xít, họ đã trả tiền mua những con tàu tốc độ nhanh, cấu trúc tốt và được trang bị mạnh, cùng với một hạm đội tàu ngầm lớn, nhưng hải quân lại thiếu kinh nghiệm và ít được huấn luyện. Không quân đã tiến hành chuẩn bị cho chiến tranh từ năm 1936 nhưng bị ngưng trệ và bị người Anh coi là không có khả năng duy trì tỷ lệ hoạt động cao. Tập đoàn quân số 5 có 8 sư đoàn đóng tại Tripolitania, nửa phía tây của Libya đối diện với Tunisia còn Tập đoàn quân số 10 với 6 sư đoàn bộ binh đóng giữ Cyrenaica ở phía đông. Khi chiến tranh bùng nổ, Tập đoàn quân số 10 triển khai Sư đoàn Libya số 1 Sibelle tại biên giới từ Giarabub đến Sidi Omar; Quân đoàn XXI từ Sidi Omar tới bờ biển, BardiaTobruk. Quân đoàn XXII di chuyển đến tây nam Tobruk để làm lực lượng phản công.[1]

Ai Cập

Xe tăng hạng nhẹ của Anh với súng máy trong tháp pháo quay.

Người Anh đã có quân đóng tại Ai Cập kể từ năm 1882, nhưng từ sau khi hiệp ước Anh-Ai Cập được ký kết năm 1936 thì số quân này đã bị giảm đi rất nhiều. Lực lượng tương đối khiêm tốn của Anh và Khối Thịnh vượng chung hiện có ở Ai Cập chủ yếu là ở ven Biển Đỏ và bảo vệ kênh đào Suez, con kênh có vai trò vô cùng quan trọng đối với mối liên lạc giữa nước Anh và các thuộc địa của nó ở Viễn ĐôngẤn Độ Dương. Tháng 6 năm 1939, trung tướng Henry Maitland "Jumbo" Wilson đã đến Cairo để làm Đại tướng Tư lệnh (GOC) các đội quân Anh tại Ai Cập và được giao chỉ huy các lực lượng Anh cùng Khối Thịnh vượng chung phòng thủ tại quốc gia này.

Đến cuối tháng 7, trung tướng Archibald Wavell được bổ nhiệm chức đại tướng địa phương và phái đến Cairo làm Đại tướng Tổng Tư lệnh (GOC-in-C) của Bộ tư lệnh Trung Đông mới thành lập, chịu trách nhiệm toàn bộ vùng Chiến trường Địa Trung Hải và Trung Đông. Bộ tư lệnh này có quyền kiểm soát hoạt động của toàn bộ lực lượng trên bộ ở Ai Cập, Sudan, Palestine, TransjordanSíp.[2] Khi chiến tranh leo thang, quyền hạn của nó lan rộng ra cả các lực lượng trên bộ do Anh chỉ huy tại đông và bắc châu Phi, Aden, Iraq và bờ biển vịnh Ba Tư và Hy Lạp. Cho đến khi Hiệp định đình chiến ngày 22 tháng năm 1940 giữa Pháp và phe Trục được ký, các sư đoàn Pháp tại Tunisia vẫn đối diện với Tập đoàn quân số 5 Ý ở biên giới tây Libya.[3]

Các lực lượng Anh bao gồm Sư đoàn Lưu động (Ai Cập) (thiếu tướng Percy Hobart), một trong hai đội hình thiết giáp huấn luyện của Anh mà vào giữa năm 1939 được đặt tên lại là Sư đoàn Thiết giáp (Ai Cập) (ngày 16 tháng 2 năm 1940, nó trở thành Sư đoàn Thiết giáp số 7). Biên giới Ai Cập–Libya được phòng ngự bởi Lực lượng Tiên phong Ai Cập và đến tháng 6 năm 1940, tổng hành dinh của Sư đoàn Bộ binh số 6 (thiếu tướng Richard O'Connor) đã tiếp quyền chỉ huy tại Sa Mạc Tây, với chỉ thị là đẩy lui quân Ý ra khỏi các đồn bốt tại biên giới và chiếm lĩnh vùng nội địa khi cuộc chiến bắt đầu. Sư đoàn Thiết giáp số 7 (thiếu Lữ đoàn Thiết giáp số 7) tập trung tại Mersa Matruh và điều Cụm Yểm trợ số 7 tiến về phía biên giới để làm lực lượng đảm bảo. Không quân Hoàng gia Anh cũng điều phần lớn máy bay ném bom đến gần biên giới hơn, và đảo Malta được tăng cường để uy hiếp con đường tiếp tế của Ý cho Libya.[4]

Tổng hành dinh Sư đoàn Bộ binh số 6, thiếu các đơn vị đầy đủ và được huấn luyện bài bản, đã được đổi tên thành Lực lượng Sa Mạc Tây ngày 17 tháng 6, khi đã tiến sát Libya. O'Connor cũng được thăng cấp trung tướng vào tháng 10 khi bộ chỉ huy của ông được tăng cường và mở rộng. Ở Tunisia, Pháp có 8 sư đoàn, chỉ có khả năng hoạt động hạn chế còn ở Syria có 3 sư đoàn được trang bị nghèo nàn và đào tạo kém, với khoảng 40.000 quân và lính biên phòng làm nhiệm vụ chiếm đóng đối phó thường dân. Các lực lượng Ý trên bộ và không quân tại Libya áp đảo mạnh quân Anh về số lượng tại Ai Cập nhưng tinh thần chiến đấu thấp và gặp bất lợi do trang bị kém hơn. Tại Đông Phi thuộc Ý, có thêm 130.000 lính Ý và lính châu Phi với 400 khẩu pháo, 200 xe tăng hạng nhẹ và 20.000 xe tải. Ý tuyên chiến với Đồng Minh vào ngày 11 tháng 6 năm 1940.[5]

Theo Thủ tướng Anh Winston Churchill, Lục quân Hoàng gia Ý có khoảng 215.000 quân tại Libya đối mặt với xấp xỉ 36.000 quân Anh tại Ai Cập, cùng với thêm 27.500 người đang huấn luyện tại Palestine. Người Anh ước tính về bộ binh, phía Ý có 6 sư đoàn "chính quốc" và 2 sư đoàn "dân quân" ở Tripolitania, 2 sư đoàn "chính quốc" và 2 sư đoàn "dân quân" tại Cyrenaica, và còn có 3 sư đoàn "biên giới". Để đối phó với lực lượng này, phía Anh có Sư đoàn Thiết giáp số 7, 2/3 Sư đoàn Bộ binh Ấn Độ số 4, 1/3 Sư đoàn New Zealand (sau trở thành sư đoàn New Zealand số 2), 14 tiểu đoàn Anh, và 2 trung đoàn Pháo binh Hoàng gia.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Sa_mạc_Tây http://www.awm.gov.au/histories/chapter.asp?volume... http://www.awm.gov.au/histories/chapter.asp?volume... http://www.btinternet.com/~ian.a.paterson/battles1... http://www.theblackvault.com/ http://www.theblackvault.com/documents/wwii/marine... http://archive.is/22Vi http://www-cgsc.army.mil/carl/resources/csi/hart/h... http://www.ibiblio.net/hyperwar/UN/UK/LondonGazett... http://www.AFRIKAKORPS.org http://ibiblio.org/hyperwar/UN/UK/LondonGazette/37...